19 September

2022

Ký sự thăm nước Lào

“Ký sự thăm nước Lào” là cuốn sách dày 150 trang được viết năm 1979 bởi các tác giả Nông Quốc Chấn, Xuân Diệu, Tô Hoài và Thép Mới. Cuốn sách được viết theo hình thức kí sự, lối viết giản dị, cách hành văn theo lối cũ, chen lẫn một số từ tiếng Lào nhằm ghi chép và phản ánh lịch sử, thiên nhiên, con người, tình cảm, nét đẹp trong đời sống thường ngày tại nước bạn Lào. 

            Việt Lào hai nước chúng ta, núi liền một dải, bên gọi Trường Sơn, bên mang tên Phu Luổng. Lịch sử hàng mấy nghìn năm bà con láng giềng sống chan hòa gần gũi, cùng nghe chung tiếng gà gáy sáng, cùng uống chung một dòng nước sông Mê Kông, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng có nét tương đồng về văn hóa, cùng đau khổ chung kéo dài ngót trăm năm, dưới cùng một ách thực dân, đã xe sợi chỉ hồng giữa hai dân tộc. Song tình hữu nghị ấy chỉ thật sự có sức sống từ khi nhân dân mỗi nước vùng lên giành lấy chính quyền

         Hòa trong không khí kỉ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977-18/7/2022). Chúng tôi xin gửi tới quý bạn đọc cuốn sách “Ký sự thăm nước Lào” như một món quà tinh thần gửi tặng những người yêu mến đất nước và con người của hai nước chúng ta. “Ký sự thăm nước Lào” là cuốn sách dày 150 trang được viết năm 1979 bởi các tác giả Nông Quốc Chấn, Xuân Diệu, Tô Hoài và Thép Mới. Cuốn sách được viết theo hình thức kí sự, lối viết giản dị, cách hành văn theo lối cũ, chen lẫn một số từ tiếng Lào nhằm ghi chép và phản ánh lịch sử, thiên nhiên, con người, tình cảm, nét đẹp trong đời sống thường ngày tại nước bạn Lào. Theo năm tháng cuốn sách đã ngả màu thời gian nhưng nó chứa đựng rất nhiều thông tin quý giá giúp ta hiểu rõ hơn về tình hữu nghị Việt Lào mà các nhà lãnh đạo hai nước đã đặt nền móng, dày công vun đắp, phát triển và giữ gìn.

       Ngay những trang sách đầu tiên, tác giả Thép Mới - đồng thời cũng là những người được vinh dự đi theo đoàn đại biểu dẫn đầu là đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn - đến thăm hữu nghị đất nước Lào xinh đẹp. Điểm đặt chân đoàn tới thăm là Viêng Xây khu căn cứ cách mạng Lào, trên đỉnh cao lộng gió Na Cay. Một đồng chí Việt Nam nguyên là tình nguyện quân đã chiến đấu trên đất nước Lào những ngày chống Pháp, cả một tuổi thanh xuân đã gắn bó với núi rừng Lào, vui mừng hôm nay gợi lại trong lòng anh cả một dòng suối kỉ niệm thân thương, nghĩa tình không thể nào quên. Những ngày gian khổ ôm cây súng, nay thiêng na (nhà ở rẫy) này, mai thiêng na khác, dưới sự đùm bọc, chở che của nhân dân và các mẹ người Lào. Những típ (ếp) xôi bìa rừng ngày ấy, bát cơm nóng hổi tạo nên tình nghĩa quân dân thắm thiết, đong đầy. Có ai đếm được bao nhiêu ngọn núi, khúc sông, bao nhiêu đỉnh đèo, con suối mà các chiến sĩ anh hùng của chúng ta đã vượt qua và làm sao đo được nghĩa tình giữa hai dân tộc chúng ta trong cuộc trường chinh hơn 30 năm đằng đẵng. Biết bao mồ hôi và máu của thanh niên hai nước đã đổ theo độ dài những con đường hành quân ra mặt trận.

        Bài viết “Giờ Viêng Chăn và giờ Hà Nội” trang 33 đã ghi lại một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quan hệ ngoại giao giữa hai nước, ngày 18/7/1977 tại phòng khách chính của nhà khách Chính phủ Lào, dưới tầm quốc huy Lào chạm nổi vào gỗ mày đu, quây quần chung quanh đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Cay xỏn phôm vi hẳn, chủ tịch Xu pha nu vông và thủ tướng Phạm Văn Đồng, các đồng chí trong hai đoàn đại biểu đã tề tựu đông đủ. Một niềm phấn khởi tràn đầy, rất sảng khoái, rất thân vui, rạng rỡ trên nét mặt mọi người. Cả hai nước đã kí kết những văn kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, mở ra cả một bước phát triển mới tươi sáng của mối quan hệ đặc biệt VN Lào xưa nay hiếm có, trong đó có Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào. Ngoài trời, nắng bừng tươi trên những sóng cờ bay phấp phới, đoàn người vẫy cờ hoa đứng chật hai bên đường, lúc đó là 8h30 giờ Viêng Chăn và giờ Hà Nội.

        Tại xứ sở Triệu Voi, Phật giáo chính là Quốc giáo. Cùng với con số 90% dân số theo Phật giáo, Lào còn sở hữu tới hơn 1.400 ngôi chùa. Tại Viêng Chăn – thủ đô của Lào có rất nhiều những công trình Phật giáo tiêu biểu. Một trong những công trình Phật giáo ở Viêng Chăn rất nổi bật là tháp Thạt Luổng. Đây là một công trình đồ sộ gồm một tháp lớn hình nậm rượu đặt trên cái đĩa hình lá sen dưới là một cái đế khổng lồ. Thạt Luổng được đánh giá như một công trình văn hóa mang tính tôn giáo sâu sắc, biểu tượng cho trí tuệ, sự sáng tạo, tinh thần đoàn kết... và là biểu tượng của quốc gia Lào.

        Nếu ví núi rừng Lào như một con voi chiến thì cao nguyên cánh đồng Chum là đầu voi khỏe và cao nguyên Bo-la-ven chính là tấm lưng vững chai của con voi trận đó. Bo-la-ven là vùng đất tuyệt vời cho để trồng cây công nghiệp, cà phê cho năng suất rất cao. 

        Nhắc tới Lào là nhắc tới đất nước của Phật giáo và lễ hội, có rất nhiều lễ hội diễn ra trong năm như: lễ hội Thạt Luổng, lễ hội té nước Bupimay, lễ hội cầu mưa v.v... Đối với người lào, khi có các lễ hội hay ngày vui trong gia tộc đều không thể thiếu điệu múa lăm vông. Tiếng trống, tiếng đàn điều khiển những bước chân, những bàn tay của từng đôi trai gái trong vòng múa lăm vông. Từng đôi trai gái múa với nhau không chạm tay vào nhau, càng không nói chuyện với nhau, người ta múa theo đúng nghĩa của nó là biểu diễn tài nghệ của hai bàn tay, nhịp bước của đôi chân và uyển chuyển của thân hình. Đôi tay nữ thì mỗi năm ngón tay là năm cánh hoa chăm pa, khi búp, khi xòe, làm mê đắm lòng người.

        Chính bởi sự gần gũi với Phật giáo nên người Lào có lối sống rất hiền hòa trầm lặng.  Tâm hồn và tính cách của họ tựa như nét mềm mại uốn lượn của mái chùa nơi đây. Tại trang sách số 100, Cha cố người Italia nhận xét: “Người Lào ưa sự hòa hảo, sẵn sàng tiếp khách lạ, chân thực tuyệt vời, nhất quyết giữ chữ tín”.

         Và còn rất nhiều nơi có thiên nhiên tươi đẹp, con người hiền hậu mến khách, phong tục tập quán độc đáo mà tác giả đã ghi lại trong cuốn kí sự này .Thời gian không cho phép chúng tôi giới thiệu hết tại đây, xin mời quý bạn đọc tìm hiểu thêm trong cuốn sách “Ký sự thăm nước Lào” và rất nhiều cuốn sách hay khác tại Thư viện trường mình nhé!

                                                                                                                                       Trần Thị Vinh Hoa - Trung tâm TT- TV